Trend ĐọcTrend Xem

NSƯT Phượng Hằng: ‘Tôi sống sung túc nhờ cải lương’

Gần 40 năm gắn bó với sân khấu, NSƯT Phượng Hằng cho biết chị mua được 4 căn nhà, sống đủ đầy và luôn biết ơn khán giả dù chặng đường nghệ thuật nhiều thăng trầm.

 

NSƯT Phượng Hằng tại nhà riêng ở TP HCM.

NSƯT Phượng Hằng tại nhà riêng ở TP HCM. Ảnh: Ngô Sáng

– Xuất phát điểm là con nhà nòi cải lương, chị thấy mình có may mắn hơn đồng nghiệp khác?

– Ba mẹ tôi là người của đoàn hát cải lương. Tuy tôi là con nhà nòi, khi đó còn nhỏ với tâm lý trẻ thơ thì bản thân cũng không lo lắng hay áp lực gì lắm. Tôi chỉ khát khao được hát, muốn hát nhiều hơn nữa. Tôi nhớ khi còn dưới quê, bản thân đã biết lấy cái lon đục lỗ treo lên sợi dây, cột lên mấy thanh treo mùng kéo qua kéo lại giả vờ làm micro. Leo lên giường đứng để làm sân khấu. Rồi lại lấy thêm khăn trùm lên đầu giả vờ làm tóc giả, tóc dài. Tôi theo nghề hát vì đam mê của bản thân chứ gia đình cũng không bắt buộc hay ngăn cản. Dù là con nhà nòi, ba mẹ cũng không trực tiếp dạy tôi hát cải lương. May mắn tôi có gia đình là nền tảng.

– Ba mẹ không chỉ dạy, chị học hát cải lương bằng cách nào?

– Nói ra có thể mọi người bất ngờ. Nếu như các nghệ sĩ cải lương khác có sư phụ, người thầy ruột dẫn dắt vào nghề và thường người thầy đó sẽ rất khó thì trò mới giỏi. Còn tôi từ nhỏ không có được chỉ dạy cụ thể, chủ yếu nghề dạy nghề.

Tôi theo ba mẹ đi đoàn hát, ngồi cạnh thầy đờn nghe các cô chú tập ca rồi mình học lỏm. Tôi cũng không biết cái nhịp của cải lương nó vô người mình lúc nào không hay. Ngày nhỏ những lúc mình được thế vai hoặc được giao vai đào con, chỉ có thầy đờn tập dợt sơ qua cho mình. Các thầy đờn cũng bất ngờ vì tôi không được ai chỉ dạy nhưng vẫn ca trúng nhịp.

Lúc nhỏ là vậy, sau này lớn lên khi hát một vở tuồng nào đó, tôi cũng chỉ là tập luyện với đoàn trong hậu trường chứ không có hẳn người thầy ruột đào tạo. Ngày xưa tập một vở tuồng tới mấy tháng mới xong nên đó như là một khóa học dành cho tôi luôn.

Thêm một điều nữa là bản thân tôi không biết tên cụ thể của các thể điệu bài bản trong cải lương là gì. Nhưng chỉ cần thầy đờn giai điệu nào là tôi hát đúng theo điệu đó liền, dù hỏi tên đó là điệu gì thì đôi khi tôi không biết.

Nghệ sĩ Kim Thoa và nghệ sĩ Phượng Hằng lúc nhỏ.

Nghệ sĩ Kim Thoa (trái) và nghệ sĩ Phượng Hằng lúc nhỏ. Ảnh: NVCC

– Hành trình trở thành cô đào chuyên nghiệp, đào chính của chị ra sao?

– Phải đến sau năm 1975, gia đình tôi nhận lời về hát cho đoàn Văn Công Đồng Nai. Thời điểm đó rất ít các vai đào con, tôi chỉ hát chung với bạn đồng niên là Kim Thoa các bài tân cổ như Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Bông hồng đất đỏ…

Những năm 1980 khi tôi lên 16 tuổi, lửa nghề rất cao, muốn hát nhiều hơn nữa nhưng trong đoàn, mẹ Kim Thoa làm bầu nên Thoa được tạo điều kiện để hát hơn tôi. Sau đó, tôi lại được đoàn Hương Dạ Thảo kêu về hát, người ta hứa hẹn tạo cơ hội cho phát triển nên tôi đi. Cứ thế chỉ trong vài năm, tôi trải qua nhiều đoàn như Hương Dạ Thảo – Hậu Giang – Tây Ninh… và nhận ra đoàn tỉnh thường tự tập với nhau, ít có đạo diễn dựng tuồng. Trong khi đó, nếu muốn khẳng định bản thân hơn nữa để có tên tuổi, có dấu ấn với khán giả, tôi cần phải có đạo diễn dựng tuồng bài bản.

– Chị tìm cách khẳng định tên tuổi mình thế nào?

– Ngay lúc này đoàn Trung Hiếu (một đoàn hát của Nhà nước) ở TP HCM kêu tôi về thành phố hát. Lúc này trong đoàn có đạo diễn Quỳnh Nga dựng tuồng, đây chính là cơ hội của tôi. Nhưng khi về đoàn Trung Hiếu ở thành phố, tôi cũng có nhiều áp lực riêng. Các tuồng hát tại đoàn trước đó đều có những cô đào khác diễn, tôi về diễn lại vai của người ta rất sợ khán giả không đón nhận. Tôi còn nhớ tuồng đầu tiên tôi về hát là Sóng gió cuộc đời, vào vai cô đào tên Phượng. Vai diễn này trước đó đã được các nghệ sĩ như Kim Hương, Ngân Quỳnh thể hiện. Đêm đầu tiên tôi ra diễn, có rất nhiều người để ý săm soi xem tôi làm có được không. Nhưng may mắn đêm đó, khán giả cũng đón nhận, vỗ tay nên tôi biết mình đã thành công.

– Vậy đâu mới là giai đoạn chị thấy mình khó khăn nhất?

– Những năm 1989, 1990 là giai đoạn khó khăn nhất của tôi. Khi vừa nghỉ hát ở đoàn thành phố, do đoàn giải thể, thời gian đó mẹ và anh tôi đều bệnh nên trọng trách càng nặng hơn. Lúc này giống như có một ngôi sao quả tạ chiếu vào cuộc đời vì từ nhỏ, tôi đã là trụ cột kinh tế trong gia đình. Nhưng rồi giai đoạn khó khăn này tôi cũng vượt qua được. Tôi bắt đầu quay lại hát cho đoàn tỉnh, dần ổn định cuộc sống.

Nghệ sĩ giữ lửa nghề qua nhiều thăng trầm của nghệ thuật.

Nghệ sĩ giữ lửa nghề qua nhiều thăng trầm của nghệ thuật.

– Cuộc sống của chị thay đổi ra sao sau gần 40 năm theo cải lương?

– Thời hoàng kim khi hát đoàn tỉnh, lương tôi rất cao, khoảng hai ngàn đồng một tháng. Về thành phố hát cho đoàn Nhà nước lương thấp hơn, chỉ còn mấy trăm đồng nhưng được cấp thêm gạo mỗi tháng, nếu có lưu diễn tỉnh thì lãnh thêm khoảng 600 ngàn. Dù ở hoàn cảnh nào, tôi cũng luôn cố gắng vun vén.

Ngày xưa, với 900 đồng tôi có thể mua được hai chỉ vàng. Đây là giai đoạn ổn định nhất của tôi. Tiếc là thời điểm này tôi chưa nghĩ nhiều đến việc mua nhà, nếu đầu tư nhà chắc tôi đã rất giàu. Vì đi hát cho đoàn nhà nước, tôi còn được chính quyền tạo điều kiện cấp đất nữa nhưng tôi không nhận vì nghĩ rằng có đất thì phải tốn tiền cất nhà nữa.

Đến năm 1987, tôi về đoàn Trung Hiếu của thành phố hát, được ở gần gia đình hơn. Sau vài năm tích lũy, tôi mua ngôi nhà nhỏ đầu tiên ở khu Bàn Cờ, quận 3. Một thời gian sau, tôi lại dành dụm tiền mua căn nhà khác to hơn ở đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Năm 2000, tôi chuyển về tổ ấm mới ở quận 8 và năm 2021 mua được căn nhà hiện tại to hơn tại quận 7.

Nhìn lại đời mình, tôi thấy lúc nhỏ có những sóng gió khó khăn nhỏ, lớn có tranh chấp của lớn. Gắn bó với nghề bằng giọng hát riêng biệt, tôi ca cải lương hơi dài và được nhớ đến nhiều hơn. Ở mỗi giai đoạn, tôi lại có những điều khó khăn cản trở riêng nhưng sau đó lại là những cơ hội mới đến với mình. Cũng có những thời điểm tôi tập làm thêm công việc khác như hùn hạp với bạn bè để kinh doanh nhưng sau tất cả, tôi vẫn hạnh phúc, hài lòng và làm tốt nhất là nghề hát. Tôi có được cuộc sống sung túc nhờ cải lương và khán giả mộ điệu.

NSƯT Phượng Hằng bên gia đình.

NSƯT Phượng Hằng bên chồng và hai con. Ảnh: NVCC

NSƯT Phượng Hằng tên thật là Dương Phượng Hằng, sinh năm 1967 tại Đồng Tháp. Lúc nhỏ, chị ở quê cùng một người chị để đi học, còn ba mẹ đi theo đoàn hát. Nghỉ hè là dịp để NSƯT Phượng Hằng lên đoàn hát của ba mẹ chơi. Đây chính là cầu nối giúp chị được tiếp xúc và đam mê cải lương.

NSƯT Phượng Hằng được khán giả biết đến qua các vở tuồng Vụ án Mã Ngưu, Chiến công thầm lặng, Ngai vàng và nữ tướng, Khi rừng thu thay lá… Chị còn được khán giả yêu quý qua phong cách ca hơi dài nhấn nhá đầy ấn tượng. NSƯT Phượng Hằng cùng NSƯT Châu Thanh kết hợp thành cặp đôi ca hơi dài ăn khách vào thập niên 1980. Năm 2011, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Ngô Sáng

https://ngoisao.vnexpress.net/nsut-phuong-hang-toi-song-sung-tuc-nho-cai-luong-4753658.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *