Trend ĐiTrend Đọc

Khám phá vẻ đẹp Rằm tháng Bảy của người Dao

Rằm tháng Bảy là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Không chỉ tục “đốt vàng mã” thường thấy mà còn có nhiều tục lễ khác, cầu mong về một mùa màng bội thu.

Nhắc đến người Dao, thường chúng ta nghĩ đến các di sản văn hóa phi vật thể như lễ Cấp sắc, hát Páo Dung hay các lễ hội thường niên được đồng bào dân tộc Dao tổ chức. Tuy nhiên, sự độc đáo trong phong tục của người Dao còn được thể hiện qua lễ đón Tết Rằm tháng 7 – Âm lịch đặc trưng.

479.nguoi-dao-do-ha-giang

Người Dao lấy ngày 14 (âm lịch) là ngày chính Rằm. Tuy nhiên, người Dao không ăn Rằm vào mỗi ngày 14, mà rải ra cả tháng. Vào ngày chính Rằm, con cháu người Dao tụ họp đông đủ, cùng nhau sửa soạn mâm lễ cúng tưởng nhớ tổ tiên, các vị thần linh đã che chở trong suốt cả năm. Trong thôn trong bản mời nhau đến dự và có cả chính quyền địa phương tham gia như người nhà.

479.cau-chuyen-nguoi-Dao0

Thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên, Hà Giang) có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Vào những ngày này, cả thôn tưng bừng, nhà nhà chuẩn bị lễ vật cần thiết để ăn Rằm. Người Dao có quan niệm “vạn vật hữu linh”, do họ tin vào sự tồn tại của “cõi thiêng”, nơi mà ở đó các linh hồn tổ tiên, thần linh vẫn đang dõi theo cuộc sống của họ ở trần thế. Vì vậy, người Dao có tục thờ cúng tổ tiên và thần linh để tỏ lòng biết ơn. Lễ vật cúng Rằm tháng Bảy được tổ chức theo từng gia đình, nếu gia đình nào không tự làm lễ cúng được thì sẽ mời thầy về để làm lễ cúng cho gia đình mình. Nghi thức của lễ cúng chủ yếu là mời tổ tiên về ăn tết cùng gia đình, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gia đình được an khang, thịnh vượng.

479.cau-chuyen-nguoi-Dao1

Tết Rằm tháng Bảy của đồng bào Dao còn đặc biệt ở chỗ chỉ đến dịp này các bà, các mẹ mới gói những chiếc bánh gù đen – một loại bánh đặc trưng của người Dao. Loại bánh này được làm từ gạo, giã với tro, thân cây vừng tạo thành bánh có màu đen, khi luộc chín có mùi vị rất lạ. Ngoài ra, còn bánh dày, bánh mật là những loại bánh không thể thiếu vào ngày Tết và Rằm tháng Bảy. Đối với người Dao, Tết Rằm tháng Bảy cũng là thời điểm để phân phát, “bố thí” thức ăn cho các cô hồn không nơi nương tựa. Đây chính là một tục lệ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Dao, thể hiện tấm lòng nhân ái của con người nơi đây.

Vào dịp rằm tháng Bảy, gia đình con cháu người Dao cùng nhau sửa soạn mâm lễ cúng tưởng nhớ đến tổ tiên, các vị thần linh đã che chở cho con cháu trong suốt năm qua. Lễ vật gồm có: 1 con heo, 1 con gà trống, bánh chưng của người Dao, rượu và 5 cái chén, 1 chén nước, 1 bát nhang, giấy bản của người Dao.

479.cau-chuyen-nguoi-Dao5

Xà Phìn đang được tỉnh Hà Giang rất quan tâm về phát triển du lịch bền vững, ngoài đặc trưng về địa danh với những mái nhà rêu, ruộng bậc thang hoa tam giác mạch, chè shan tuyết cổ thụ… nơi đây còn được biết đến những văn hóa bản sắc như lễ Cấp sắc và văn hóa cúng Rằm tháng Bảy cũng được nâng tầm trở thành một trong những phong tục thu hút khách du lịch.

Ông Đặng Văn Háu, trưởng thôn Xà Phìn chia sẻ: “Người Dao chúng tôi quan điểm cúng cả năm không bằng ăn Tết Rằm tháng Bảy. Cho dù có đang bận công việc gì chúng tôi cũng tạm gác hết lại để tập trung cúng Rằm tháng Bảy”.

Không khí nhộn nhịp của những ngày này tại thôn Xà Phìn khiến du khách đến thăm cũng rất tò mò. Họ thấy một thôn Xà Phìn, một bản Dao hoàn toàn khác khi tất cả bà con đều háo hức bên những chén rượu, từ những bà già đến các cô thiếu nữ đều mặt ửng đỏ và cười nói rôm rả.

479.cau-chuyen-nguoi-Dao2

479.cau-chuyen-nguoi-Dao3

479.cau-chuyen-nguoi-Dao4

Chị Phạm Hải Yến, công ty gạch Bình Tuấn, Hà Nội cũng cùng gia đình đến trải nghiệm lễ cúng Rằm tại thôn Xà Phìn cho biết: “Đây là lần đầu tiên gia đình chúng tôi được chứng kiến lễ cúng Rằm tháng Bảy của người Dao. Tôi được nghe kể rất nhiều nhưng khi tận mắt chứng kiến mới thấy sự thú vị và gắn kết của bà con ở nơi đây. Thực sự, đây là một lễ hội rất thú vị và đặc sắc, nó rất đúng với tinh thần báo hiếu và lòng biết ơn của người Việt”.

Đặc biệt, chính quyền địa phương ở nơi đây cũng rất quan tâm đến văn hóa này. Hàng năm, vào dịp Rằm tháng Bảy, chính quyền địa phương đều phân công nhau cùng đến dự với nhân dân. Thông qua lễ hội có thể tuyên truyền thêm về các chính sách, văn hóa đến từng người dân.

Ông Cấn Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến chia sẻ: “Những ngày này, cán bộ chúng tôi đều phân công đến các bản thôn khi được mời. Đây là một trong những nghi lễ rất quan trọng của bà con nơi đây. Ngày Tết bà con có thể vẫn đi làm nhưng riêng Rằm tháng Bảy thì không, sẽ nghỉ làm ở nhà lo cúng. Chúng tôi cũng ít có điều kiện để thường xuyên đến với bà con nên thông qua lễ hội này sẽ là cơ hội để gắn bó tình cảm thêm với bà con hơn. Qua đó, tuyên truyền thêm được nhiều chính sách pháp luật hơn nữa”.

Mặt khác, việc phát triển du lịch từ những lễ hội truyền thống địa phương từ những lợi thế sẵn có luôn là mục tiêu rất được nhân dân bản địa và chính quyền ủng hộ. Điển hình như lễ hội truyền thống chọi trâu, nay đã trở thành lễ hội cấp quốc gia, thu hút đông đảo người dân quan tâm.

479.cau-chuyen-nguoi-Dao6

Lễ hội cúng Rằm tháng Bảy của người Dao nếu phát triển và có quy mô rộng khắp, quy trình bài bản hơn nữa thì đây cũng là một lễ hội có thể thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhưng để giải được bài toán khó này thì phải là sự vào cuộc của các ban ngành liên quan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *